Sunday 17 May 2020

Ba mươi Tết nghe mẹ kể chuyện “đời xưa”



Năm nay đúng 40 năm gia đình tôi ăn cái Tết cuối cùng tại quê hương. Một cái Tết đầy những lo toan, vất vả của mẹ nhưng cũng là một cái Tết bớt đi những đôi mắt canh chừng của đám công an trong vùng lâu nay canh nhà tôi đã vội vàng về quê ăn Tết.

Khi dã tâm đào nhà tôi tìm vàng không thành, đám công an bắt ba tôi ra phường “học tập” mỗi đêm nhằm khủng bố tinh thần của ông. Ba mẹ tôi chỉ là những người làm ăn bình thường, luôn giúp đỡ những hàng xóm, láng giềng, nên tránh được nạn bị cướp nhà từ chính quyền là nhờ bà Phường trưởng và Thị trưởng đã từng được ba mẹ tôi giúp đỡ.

Sau đó anh đầu của tôi bị bắt vì đi vượt biển không thành, thêm bị gán cái tội tiếp tay “khủng bố” sân bay, cả nhà tôi sống trong sự khủng hoảng dưới kiểm soát, canh chừng gắt gao hơn của đám công an phường. Hai anh trai tôi học ở Sài Gòn và Đà Nẵng tuy được thầy cô mến nhưng cũng bị ảnh hưởng không ít vì phường gởi thư đến buộc quản chế hai anh.

Mẹ tôi phải bôn ba khắp nơi, nhờ vả những lãnh đạo từng mang ơn ba mẹ, lo lót gần hết cả gia tài để anh tôi được thả ra sau hơn 9 tháng tù. Một thân thể “kiến càng” trở thành bạc nhược từ thể xác đến tinh thần trong một thời gian ngắn làm mẹ tôi kiên quyết phải đưa cả gia đình trốn đi. Câu nói, cộng sản nó ác lắm các con à, được ba tôi lập lại nhiều hơn trước. Mẹ tôi thì chỉ lặng yên sắp xếp và vật vã trong cơn đau đầu tìm cơ hội cho cả gia đình vượt biển.

Đúng vào mùng hai Tết năm Canh Thân, kế hoạch trốn đi bắt đầu nhưng không thành. Anh trai đầu cùng mẹ tôi cương quyết trốn đi một lần nữa vào mùng năm và dự định sẽ tự tử nếu bị bắt lại vì biết cả nhà không thể sống dưới ngục tù cộng sản. Nhờ ơn trên, cả nhà tôi đã vượt thoát cuộc rượt đuổi của công an và qua được cơn bão cùng tai nạn trên đường đi đến Hồng Kông.

Hôm nay sau 40 năm, ngồi nghe mẹ kể lại chuyện xưa mà cứ tưởng như mới đây. Bốn mươi năm cách cưỡng chế, cướp đất của cộng sản càng tinh vi hơn chứ không giảm sút. Nghĩ đến Tết của những gia đình vườn rau Lộc Hưng, gia đình cụ Kình. Buồn và xót xa. Đến bao giờ người dân tôi mới có được một cái Tết bình yên?

Tuesday 12 May 2020

Tôi có một Ước Mơ


Cứ đến mỗi tháng Tư là nỗi buồn tràn lan trong suy nghĩ nên ước mơ của tôi lại tăng lên gấp bội. Không biết từ lúc nào đó tôi đã đếm từng tháng Tư để biết xây đắp một ước mơ ngoài vòng chuyên môn của mình. Và tôi theo chân con kiến, cứ tha từng mảnh nhỏ của ước mơ mong ghép lại hình thành một ước mơ tôi.

Trong những tuần cách ly xã hội vì dịch Covid-19, không chỉ riêng tôi mà hầu như ai cũng càng cảm thấy giá trị của sự tự do quý như thế nào. Ở một nơi tự do phát biểu, tự do chọn hướng đi, cách làm việc mà còn bị buồn phiền vì sự thiếu tự do tạm thời thì những nơi thật sự không có tự do ngay cả trong suy nghĩ của mình thì càng mệt mỏi hơn. Nên ước mơ của tôi cũng giống như nhiều uớc mơ khác là góp tiếng nói đòi hỏi tự do, nhân quyền cho con người, cho cả dân tộc nhưng khả năng của tôi chỉ làm được ở mức ủng hộ những tiếng nói tự do, chuyển tải sự thật nên tôi đã chọn cho mình phạm vi nhỏ bé hơn là ước mơ tự do trong nghệ thuật.

Phát huy tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo và tự do thực hiện trong nghệ thuật là một căn bản tạo nên chân thiện mỹ mà người làm nghệ thuật đều cần có.

Mỗi năm đi xem đoàn múa Shen Yun của người Hoa từ New York, ước mơ tôi lại vun đầy. Họ đã mang nghệ thuật qua điệu múa, lời nhạc để nói lên điều nhân văn tốt đẹp của con người, nói lên sự áp bức của độc tài rồi cũng sẽ vỡ tan vì sự tự do trong nghệ thuật sẽ phá tan xiềng xích bạo tàn.
Rồi những lần may mắn được tiếp xúc và làm việc với một số các Nghệ sĩ trong nước, cảm nhận được sự vươn lên tìm tự do trong sáng tác mà phải chịu bao đắng cay, kềm kẹp trong cuộc sống. Ước mơ của tôi như được nung nấu hơn.

Gần đây nhất, đi xem, được tiếp xúc với đạo diễn và diễn viên trong đoàn xiếc A Ồ Làng Phố, mới hiểu và cảm nhận được ước mơ tự do trong nghệ thuật đắt giá như thế nào dưới chế độ độc tài cộng sản.

Có bạn hỏi tôi, sao không yên phận ngồi văn phòng, sống một cuộc sống hạnh phúc của một công dân Úc mà phải bôn ba chi mệt vậy. Viết, nói có lật đổ cộng sản được đâu?

Dạ thưa, một câu nói của người vô danh “The world suffers a lot. Not because of the violence of bad people but because of the silence of good people”, tạm chuyển dịch, “Thế giới đi vào tăm tối không phải vì những kẻ ngông cuồng, xấu xa mà vì sự im lặng của những người tốt”. Tôi không phải người tốt nhưng muốn làm người bình thường, vì tôi đã “lỡ yêu quê hương của mình” (trích trong nhạc phẩm Vì Tôi Lỡ Yêu Quê Hương Mình của Ns Tuấn Khanh) và “Dù bàn chân đi, trái tim còn ở lại. Đời đời kiếp kiếp có bao giờ nguôi ngoai" (Trích trong nhạc phẩm Trái Tim Ở Lại của Ns Hà Thúc Sinh).

Ước mơ nghệ thuật của Việt Nam được tự do trong sáng tạo, không bị kềm kẹp trong sự tuyên truyền dối trá và tôi sẽ làm một con kiến nhỏ. Vâng tôi có một ước mơ.