Sunday 17 May 2020

Ba mươi Tết nghe mẹ kể chuyện “đời xưa”



Năm nay đúng 40 năm gia đình tôi ăn cái Tết cuối cùng tại quê hương. Một cái Tết đầy những lo toan, vất vả của mẹ nhưng cũng là một cái Tết bớt đi những đôi mắt canh chừng của đám công an trong vùng lâu nay canh nhà tôi đã vội vàng về quê ăn Tết.

Khi dã tâm đào nhà tôi tìm vàng không thành, đám công an bắt ba tôi ra phường “học tập” mỗi đêm nhằm khủng bố tinh thần của ông. Ba mẹ tôi chỉ là những người làm ăn bình thường, luôn giúp đỡ những hàng xóm, láng giềng, nên tránh được nạn bị cướp nhà từ chính quyền là nhờ bà Phường trưởng và Thị trưởng đã từng được ba mẹ tôi giúp đỡ.

Sau đó anh đầu của tôi bị bắt vì đi vượt biển không thành, thêm bị gán cái tội tiếp tay “khủng bố” sân bay, cả nhà tôi sống trong sự khủng hoảng dưới kiểm soát, canh chừng gắt gao hơn của đám công an phường. Hai anh trai tôi học ở Sài Gòn và Đà Nẵng tuy được thầy cô mến nhưng cũng bị ảnh hưởng không ít vì phường gởi thư đến buộc quản chế hai anh.

Mẹ tôi phải bôn ba khắp nơi, nhờ vả những lãnh đạo từng mang ơn ba mẹ, lo lót gần hết cả gia tài để anh tôi được thả ra sau hơn 9 tháng tù. Một thân thể “kiến càng” trở thành bạc nhược từ thể xác đến tinh thần trong một thời gian ngắn làm mẹ tôi kiên quyết phải đưa cả gia đình trốn đi. Câu nói, cộng sản nó ác lắm các con à, được ba tôi lập lại nhiều hơn trước. Mẹ tôi thì chỉ lặng yên sắp xếp và vật vã trong cơn đau đầu tìm cơ hội cho cả gia đình vượt biển.

Đúng vào mùng hai Tết năm Canh Thân, kế hoạch trốn đi bắt đầu nhưng không thành. Anh trai đầu cùng mẹ tôi cương quyết trốn đi một lần nữa vào mùng năm và dự định sẽ tự tử nếu bị bắt lại vì biết cả nhà không thể sống dưới ngục tù cộng sản. Nhờ ơn trên, cả nhà tôi đã vượt thoát cuộc rượt đuổi của công an và qua được cơn bão cùng tai nạn trên đường đi đến Hồng Kông.

Hôm nay sau 40 năm, ngồi nghe mẹ kể lại chuyện xưa mà cứ tưởng như mới đây. Bốn mươi năm cách cưỡng chế, cướp đất của cộng sản càng tinh vi hơn chứ không giảm sút. Nghĩ đến Tết của những gia đình vườn rau Lộc Hưng, gia đình cụ Kình. Buồn và xót xa. Đến bao giờ người dân tôi mới có được một cái Tết bình yên?

No comments:

Post a Comment